1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Không nên giảm chế độ ốm đau của người lao động

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chủ tịch công đoàn công ty Intel Product đề nghị không nên giảm quyền lợi chế độ ốm đau của người lao động mà phải nghiên cứu tăng thêm để họ yên tâm chữa trị khi mắc bệnh.

Không nên giảm chế độ ốm đau của người lao động - 1

Giảm quyền lợi chế độ ốm đau ảnh hưởng nhiều đến người lao động (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Góp ý cho dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại hội nghị do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn công ty Intel Product, đề nghị ban soạn thảo xem xét lại chế độ ốm đau trong dự án luật.

Theo bà Yến, chế độ ốm đau là điều bà quan tâm nhất vì nó ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Trong dự án luật, việc điều chỉnh quy định về thời gian hưởng ốm đau khiến quyền lợi của người lao động bị giảm sút nhiều. Bà đã từng góp ý nhiều lần nhưng chưa được chỉnh sửa.

Bà Yến nhắc đến quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau của các lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

Theo luật BHXH năm 2014, người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày được nghỉ việc chữa bệnh hưởng chế độ ốm đau tối đa là 180 ngày. Hết thời hạn 180 ngày trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Không nên giảm chế độ ốm đau của người lao động - 2

Theo dự án luật BHXH (sửa đổi), người lao động được nghỉ việc chữa bệnh hưởng chế độ ốm đau tối đa là 30 ngày (nếu đóng BHXH dưới 15 năm); 40 ngày (nếu đóng từ 15 năm đến dưới 30 năm); 60 ngày nếu đóng đủ 30 năm trở lên.

Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ việc chữa bệnh hưởng chế độ ốm đau tối đa là 40 ngày (nếu đóng BHXH dưới 15 năm); 50 ngày (nếu đóng từ 15 năm đến dưới 30 năm); 70 ngày nếu đóng đủ 30 năm trở lên.

Sau khi hưởng hết thời hạn tối đa trên, người lao động vẫn tiếp tục điều trị thì người mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.

Mức hưởng chế độ ốm đau trong thời gian hưởng tối đa bằng 75% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Khi hưởng tiếp sau thời hạn tối đa, người lao động chỉ được hưởng 50%, 55% hoặc 65% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (tùy vào số năm đóng BHXH).

Theo bà Yến, với việc sửa đổi thời hạn hưởng chế độ ốm đau, người lao động mắc bệnh cần điều trị dài ngày chỉ được hưởng chế độ 75% tiền lương trong thời hạn tối đa là 30-70 ngày (tùy vào số năm đóng BHXH và điều kiện làm việc), sau đó chỉ được hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng thấp hơn.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, họ được hưởng chế độ ốm đau 75% tiền lương trong thời hạn tối đa đến 180 ngày. Sau thời hạn này mới hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng thấp hơn.

Không nên giảm chế độ ốm đau của người lao động - 4

Bà Phạm Thị Hồng Yến cho rằng: "Nếu quy định này có hiệu lực, người lao động mắc bệnh hiểm nghèo đang khó khăn càng khó khăn hơn".

"Bệnh dài ngày là không ai mong muốn. Người lao động mắc bệnh dài ngày chủ yếu là bệnh lao. Khi mắc bệnh này thì phải nghỉ làm để điều trị 6-8 tháng. Nếu bây giờ giảm thời gian hưởng mức trợ cấp tối đa của họ thì người lao động có điều kiện nghỉ việc để điều trị không, hay ráng đi làm!", bà Yến đặt vấn đề.

Chủ tịch Công đoàn công ty Intel Product chia sẻ: "Bản thân tôi đã chứng kiến có người lao động bị lao, ráng đi làm rồi chuyển sang lao màng não, sau đó 3 tháng thì tử vong".

Từ lập luận trên, bà Yến đề nghị giữ nguyên quy định về chế độ ốm đau như hiện tại.

Bà Yến nói: "Nếu điều chỉnh chế độ ốm đau như dự án luật BHXH sửa đổi hiện nay thì sẽ có nhiều người lao động mắc bệnh mà ráng đi làm, để rồi dẫn đến bệnh tình nguy hiểm hơn".

Đại diện Công đoàn công ty IonLine thì đề nghị sửa đổi quy định nghỉ việc chăm con nhỏ bị bệnh. Theo vị này, quy định chỉ cho cha mẹ nghỉ việc chăm sóc con dưới 7 tuổi bị bệnh là rất lỗi thời vì con trên 7 tuổi cũng không thể tự chăm sóc hay nằm viện một mình được.

Do đó, Công đoàn công ty IonLine đề xuất đề nghị sửa đổi hạn mức tuổi của trẻ bị bệnh từ 7 tuổi lên thành 16 tuổi như luật Trẻ em quy định độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn lao động TPHCM, cũng đồng tình với đề xuất trên nhưng ông đề nghị tăng hạn mức tuổi của trẻ lên 13 tuổi.

Ngoài ra, ông Triều đề xuất thêm trường hợp vợ/chồng mắc bệnh nặng thì cho phép chồng/vợ nghỉ việc hưởng chế độ để chăm sóc.