1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp Mỹ nói gì về việc nâng Việt Nam lên nền kinh tế thị trường?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Luật sư khẳng định rằng Việt Nam nên được nâng lên nền kinh tế thị trường vì đã đáp ứng đủ các tiêu chí. Tuy nhiên, vẫn có vấn đề khiến bên chưa đồng tình lo ngại, theo Reuters.

Theo Reuters, ngày 8/5 (theo giờ Mỹ), Bộ Thương mại Mỹ đã lắng nghe tranh luận của các bên về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Ông Eric Emerson, luật sư của công ty luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Mỹ), nhấn mạnh rằng Việt Nam nên được nâng cấp lên nền kinh tế thị trường vì đã đáp ứng 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để đánh giá một quốc gia là nền kinh tế thị trường. 

Theo quy định của Mỹ, có nhiều tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm mức độ chuyển đổi của tiền tệ, đàm phán tiền lương giữa lao động và người sử dụng lao động, mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế, vấn đề sở hữu nhà nước và tư nhân, mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả...

"Việt Nam đã chứng minh hiệu quả hoạt động của mình trên các yếu tố theo luật định tốt hơn các quốc gia khác đã từng được cấp quy chế kinh tế thị trường", ông Eric nhấn mạnh.

Ông chỉ ra Việt Nam ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada và Philippines.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã nhắc tới Việt Nam như một điểm đến "friend-shoring" - thuật ngữ dùng để chỉ chiến lược đưa chuỗi cung ứng sang các nước thân thiện.

Doanh nghiệp Mỹ nói gì về việc nâng Việt Nam lên nền kinh tế thị trường? - 1

Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ (Ảnh: Getty Images).

Samsung Electronics cũng là một trong những công ty ủng hộ việc Mỹ nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường.

Ông Scott Thompson, người đứng đầu chính sách của Samsung chi nhánh Mỹ, chia sẻ rằng công ty đã đẩy mạnh tuyển dụng nhờ những thay đổi theo định hướng thị trường của Việt Nam. 

"Việt Nam đã nổi lên như một đối tác chuỗi cung ứng ổn định, an toàn và mang lại lợi ích cho kinh tế Mỹ", ông Thompson nói. 

Trước đó, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN ủng hộ quyết định nâng hạng Việt Nam. "Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường từ trước", ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, nhận định. "Họ đã đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng cho việc nâng hạng".

"Các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận thấy tiềm năng tăng trưởng lớn", ông Osius nhấn mạnh với Reuters.

Việc nâng quy chế như vậy sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam. Hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường vốn phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá.

Tuy nhiên, bên chưa đồng tình lại bày tỏ lo ngại việc ngành công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng trong số đó đã bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Ông Jeffrey Gerrish, đại diện cho nhà sản xuất thép Steel Dynamics, cho biết việc nâng hạng sẽ tạo ra một làn sóng nhập khẩu và Việt Nam có thể trở thành nơi để Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ.

Theo Reuters