1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Căn bệnh tróc vảy toàn thân được quản lý ngay tại địa phương

Hồng Hải

(Dân trí) - Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, vảy nến là căn bệnh tác động đến nhiều bộ phận cơ thể, làm tăng nguy cơ tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp...

Ngày 9/5, tại lễ ký kết hợp tác và khai trương Phòng khám chuyên đề bệnh vảy nến của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc chuyển giao này giúp nhiều bệnh da liễu chuyên sâu được quản lý ngay tại địa phương.

"Với bệnh vảy nến, đây là bệnh lý phải điều trị suốt đời, không thể chữa khỏi dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát bệnh. Phòng khám chuyên đề là nơi để quản lý người bệnh, hội chẩn chuyên khoa các ca bệnh khó. Việc quản lý một bệnh lý mãn tính liên quan đến nhiều cơ quan của cơ thể ngay tại địa phương giúp người bệnh được quản lý bệnh tốt nhất", PGS Doanh nói.

Căn bệnh tróc vảy toàn thân được quản lý ngay tại địa phương - 1

PGS.TS Lê Hữu Doanh khám cho người bệnh tại Phòng Phòng khám chuyên đề bệnh vảy nến tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Ảnh: Hồng Hải).

Chiều 9/5, được khám tại Phòng khám chuyên đề bệnh vảy nến tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bác Đ.V.M. (sinh năm 1959) cho biết, bác đã bị bệnh vảy nến 20 năm nay, và bằng đó thời gian bác quản lý, tái khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội).

Lần này, thay vì phải bắt xe hết 300 nghìn đồng cả đi và về, rồi lích kích đồ đạc, ăn uống tạm bợ, hôm nay bác tự đi xe máy đến Phòng khám chuyên đề để khám.

Trực tiếp tái khám cho bệnh nhân, PGS Doanh cho biết, bác hoàn toàn có thể yên tâm quản lý bệnh vảy nến ngay tại địa phương. 

"Tôi cảm thấy yên tâm hơn, đỡ lo lắng như mỗi lần đi Hà Nội khi đến lịch khám", bác M. chia sẻ.

Theo PGS doanh, có đến 50%  bệnh nhân vảy nến cảm giác hoang mang, chán nản, bi quan bởi những tổn thương toàn thân, phải điều trị suốt đời, đến bệnh viện thường xuyên. Việc có phòng khám chuyên khoa vảy nến ngay tại địa phương giúp người bệnh bớt được áp lực khi phải di chuyển xa tái khám.

PGS Doanh thông tin thêm, đến nay, bệnh viện đã nhận được đề nghị của hơn 20 bệnh đa khoa tuyến tỉnh ở miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên về việc hỗ trợ xây dựng phòng khám chuyên về bệnh vảy nến. 

Căn bệnh tróc vảy toàn thân được quản lý ngay tại địa phương - 2

Bệnh viện Da liễu Trung ương kí kết với đối tác trong việc phát triển hệ thống Phòng khám chuyên đề tại các địa phương (Ảnh: Thu Hương).

"Cuối tháng 12/2023, Bệnh viện đã hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái xây dựng mô hình phòng khám về bệnh vảy nến. Từ đó đến nay, hầu hết bệnh nhân vảy nến đã được quản lý và điều trị hiệu quả tại địa phương này. Tương tự tại Thái Nguyên, chắc chắn các bệnh nhân vảy nến cũng được quản lý tốt ngay tại địa phương.

"Trong năm 2024, bệnh viện sẽ đồng hành cùng các tỉnh thành lập các phòng khám này. Đây là chuỗi các hoạt động của công tác phát triển da liễu chuyên sâu mà Bệnh viện Da liễu Trung ương thực hiện ở một số tỉnh, thành", PGS Doanh cho biết.

Vảy nến là một trong những bệnh da mạn tính hay gặp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, chiếm khoảng 2-3% dân số.

Đây là bệnh viêm da lành tính, không lây, hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu điều trị sớm, đúng cách, người bệnh vảy nến vẫn có cuộc sống sinh hoạt gần như người bình thường.

Tuy nhiên đây là căn bệnh phải điều trị suốt đời, dễ tái phát khiến nhiều người bệnh chán nản, nghe theo lời quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh vảy nến nên đã tự ý đi điều trị, gây hậu quả nặng nề.

PGS Doanh khuyến cáo, bệnh nhân vảy nến tuyệt đối không nghe theo các quảng cáo, bài thuốc truyền miệng chữa khỏi vảy nến. Bệnh nhân vảy nến cần được theo dõi, quản lý.

Hiện với sự tiến bộ của y học, có nhiều phương pháp điều trị vảy nến như điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân hay liệu pháp ánh sáng, ứng dụng thuốc sinh học. Các phương pháp này có thể giúp tình trạng bệnh được kiểm soát, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng.

Việc thành lập các phòng khám chuyên sâu sẽ giúp y tế tuyến cơ sở phát triển hơn về chuyên môn, giúp quản lý bệnh nhân toàn diện hơn. Người bệnh vảy nến vẫn được tiếp cận, sử dụng các thuốc và phương pháp mới tương tự bệnh viện tuyến cuối mà vẫn được Quỹ BHYT chi trả đầy đủ.