Cửu đỉnh ở Huế được công nhận là Di sản của UNESCO: Chuyên gia lên tiếng

Lạc Thành

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, bản đúc nổi trên cửu đỉnh được ghi danh là Di sản là niềm vui không chỉ đối với riêng Thừa Thiên-Huế, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của người dân Việt Nam.

Ngày 8/5, Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Cửu đỉnh ở Huế được công nhận là Di sản của UNESCO: Chuyên gia lên tiếng - 1

Tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở TP Ulan Bator (Mông Cổ), "Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế" được công nhận là Di sản của UNESCO (Ảnh: Cục Di sản văn hóa).

Tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở TP Ulan Bator (Mông Cổ), hồ sơ này nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao với số phiếu 23/23 quốc gia tham dự Hội nghị này.

Chia sẻ về sự kiện, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia MOW của Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đánh giá, đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo vệ và phát huy  giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng.

"Việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản được UNESCO ghi danh sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024", bà Hiền nói.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chia sẻ, đây là niềm vui không chỉ đối với riêng Thừa Thiên Huế, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của tất cả người dân Việt Nam. Việc hồ sơ lần này được ghi danh đã nâng tổng số các di sản UNESCO mà Việt Nam sở hữu lên 68 danh hiệu, góp phần thực hiện vượt mục tiêu của "Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030".

Theo bà Vân, đây là sự ghi nhận, tin tưởng mà các nước khu vực và bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tư liệu. Việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản, danh hiệu UNESCO sẽ góp phần giúp địa phương tiếp tục tham gia và mở rộng sự kết nối, trao đổi các kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu trong khu vực.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Hán Nôm thì cho biết, Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế là bộ sưu tập gồm 9 đỉnh đồng (cửu đỉnh) do vua Minh Mạng cho đúc năm 1835. Cửu đỉnh là di sản quý giá, là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp, cũng như nghệ thuật đúc đồng tài hoa của người Việt.

Cửu đỉnh ở Huế được công nhận là Di sản của UNESCO: Chuyên gia lên tiếng - 2

Các hình đúc nổi trên cửu đỉnh có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử (Ảnh: Cục di sản văn hóa).

Ông Cường cho biết, cửu đỉnh còn là biểu tượng của sự thống nhất và trường tồn của triều đại. Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ nhiều giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Chín chiếc đỉnh đồng do vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu (Hoàng thành Huế) từ đó tới nay.

Trên cửu đỉnh triều Nguyễn có những hình ảnh chạm nổi mang tính biểu tượng về núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm tiêu biểu do con người làm ra, phản ánh một cách độc đáo nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Việt Nam trong thế kỷ XIX, đồng thời thể hiện tài năng đặc biệt của những nghệ nhân đúc đồng nước ta lúc bấy giờ.

Trải qua gần 200 năm, đến nay, cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Từ khi được hình thành, cửu đỉnh chưa từng được sửa chữa, vì vậy, chúng có giá trị độc bản và không thể thay thế. Cửu đỉnh triều Nguyễn được công nhận Bảo vật quốc gia đợt 1, năm 2012.