Học Bác Hồ viết báo sao cho "có sức thuyết phục cao"

Phùng Minh

(Dân trí) - Tiến sĩ Trần Bá Dung nói, khi viết báo Bác thường dùng từ ngữ đơn giản, thông dụng mà phản ánh đúng bản chất sự vật, có sức thuyết phục cao.

Chiều 13/5, Đảng ủy báo Dân trí tổ chức sinh hoạt chuyên đề quý III/2024 với sự tham dự của cán bộ, đảng viên và người lao động trong toàn cơ quan.

Trao đổi về chủ đề "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh và vấn đề đạo đức, bản lĩnh người làm báo trong tình hình hiện nay", Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng khoa Marketing - Truyền thông, Đại học Hoa Sen (nguyên Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam) dẫn lại quan điểm của Bác khẳng định nhiệm vụ của người làm báo rất quan trọng và vẻ vang.

Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, trình độ văn hóa và đi sâu vào nghiệp vụ của mình.

Học Bác Hồ viết báo sao cho có sức thuyết phục cao - 1

Tiến sĩ Trần Bá Dung (Ảnh: Thành Đông).

Bác luôn cổ vũ nhân tố mới, bởi đó là trách nhiệm của báo chí cách mạng. Cổ vũ tốt nhất là "nói đi đôi với làm", cổ vũ đi liền với phê phán nhưng cổ vũ là chủ yếu. Cổ vũ bằng cách viết cho hay, chân thật và hùng hồn.

"Tôi nhận thấy báo Dân trí có chương trình Nhân ái cũng được coi là một nhân tố mới, khác biệt, góp phần phục vụ cộng đồng và mang lại những giá trị nhân văn cho xã hội", Tiến sĩ Trần Bá Dung nhận xét.

Theo Tiến sĩ Trần Bá Dung, đạo đức nghề báo được Bác coi là cái gốc của nhà báo. Nhà báo phải có lập trường chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với nhân dân; luôn gắn bó mật thiết và hết lòng phục vụ nhân dân.

Ông Dung cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phê bình chủ nghĩa cá nhân - một biểu hiện đi ngược lại của đạo đức cách mạng. Người làm báo cần phải tự phê bình và phê bình.

"Phê bình và tự phê bình là vũ khí cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Đối với báo chí cũng vậy, phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng "trị bệnh cứu người", chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm", nhà báo Trần Bá Dung phân tích.

Học Bác Hồ viết báo sao cho có sức thuyết phục cao - 2

"Đặc trưng nổi bật nhất trong cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngắn gọn, hàm súc", nhà báo Trần Bá Dung nói (Ảnh: Thành Đông).

Khi viết báo, Bác Hồ luôn đặt ra những câu hỏi "viết cho ai?", "viết để làm gì?", "viết cái gì?" và "viết như thế nào?". Để trở thành nhà báo giỏi, phải học tập và rèn luyện không ngừng, không nghỉ.

"Đặc trưng nổi bật nhất trong cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngắn gọn, hàm súc. Là sự kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Đông - ghi ít, nhớ nhiều, ý tại ngôn ngoại. Không chỉ sáng lập ra báo chí cách mạng Việt Nam, Bác còn là một nhà báo dày dạn kinh nghiệm: Đã viết hơn 2.000 bài báo, nhiều lần trực tiếp trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước. Rất nhiều khái niệm rộng lớn được Người thể hiện trong một câu rất ngắn gọn, dứt khoát, rõ ràng, dễ nhớ nhưng nói lên đầy đủ bản chất vấn đề", Tiến sĩ Trần Bá Dung nói.

Bác luôn dạy "chớ ham dùng chữ", "viết phải thiết thực". Dù là người uyên bác, am hiểu văn hóa phương Đông, phương Tây, biết nhiều ngoại ngữ nhưng Người thường dùng từ ngữ đơn giản, thông dụng mà phản ánh đúng bản chất sự vật, có sức thuyết phục cao.

"Nhiều câu, nhiều ý trong các bài viết của Bác đã đi vào đời sống và trở thành khẩu hiệu, phương châm hành động như "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền" hay châm ngôn ngắn gọn "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Bác phê phán những cách dùng chữ cầu kỳ, không phù hợp đối tượng và ngữ cảnh văn hóa", nhà báo Trần Bá Dung khái quát quan điểm của Bác.

Nói về bản lĩnh của nhà báo hiện nay, ông Dung khái quát, cần phải học Bác, phải có lập trường chính trị vững chắc, "chính trị phải làm chủ".

Trách nhiệm của nhà báo được thể hiện trong từng con chữ của nhà báo đối với công chúng. Trách nhiệm xã hội luôn gắn với nghĩa vụ công dân của nhà báo.

"Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chưa viết, chưa nói. Tôi nghĩ rằng những điều Bác dạy người làm báo chúng ta như vậy luôn luôn đúng và cần thiết", Tiến sĩ Trần Bá Dung nhận định.

Chia sẻ thêm, ông Dung nói đã đi giảng dạy, làm việc ở nhiều địa phương trên cả nước nên thấy rõ báo Dân trí có số lượng độc giả đông đảo, được bạn đọc yêu thích.

Bạn đọc báo điện tử ngày càng trẻ do dễ dàng tiếp thu thông tin đa phương tiện. Do đó, báo phải hướng tới bạn đọc trẻ. Tuy nhiên, theo ông Dũng, đội ngũ làm báo cần đan xen nhiều thế hệ để đảm bảo sự hài hòa, bổ sung cho nhau.

Học Bác Hồ viết báo sao cho có sức thuyết phục cao - 3

Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Tuấn Anh chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề (Ảnh: Thành Đông).

Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Tuấn Anh đánh giá những chia sẻ của Tiến sĩ Trần Bá Dung về chủ đề "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh và vấn đề đạo đức, bản lĩnh người làm báo trong tình hình hiện nay", rất có ý nghĩa với đội ngũ cán bộ, phóng viên.

"Mỗi người làm báo có thể vận dụng những điều đó vào trong công việc của mình một cách thiết thực, bổ ích nhất. Viết báo phải làm sao cho trong sáng, dễ hiểu, để những người ở trình độ thấp hơn chúng ta rất nhiều cũng hiểu được nội dung bài báo. Nhà báo không bao giờ ngừng học tập, bởi nếu ngừng sẽ tụt hậu", nhà báo Phạm Tuấn Anh nói.